Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ thương mại. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước dự kiến sẽ cán đích 60 tỷ USD năm 2020.
Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng trung bình 13,9%/ năm. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 9,93 tỷ USD thì nay đã đạt đến con số khoảng 30 tỷ USD.

Số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho thấy, tính riêng trong năm 2016, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt gần 14,68 tỷ USD. Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Cảng Tomakomai - Nhật Bản
Cảng Tomakomai – Nhật Bản

Hàng dệt may là nhóm hàng chủ lực, đạt kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang Nhật, tiếp sau là nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị gỗ và sản phẩm gỗ.

Thương mại Việt Nam – Nhật Bản: Với kỳ vọng sẽ đạt 60 tỷ USD – Năm 2020

Cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung và không cạnh tranh lẫn nhau.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản có thể sẽ đạt tới một tầm cao mới bởi một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương đã được lãnh đạo hai nước đưa ra bàn thảo và thống nhất.

Theo ông Dũng, cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung và không cạnh tranh lẫn nhau.

Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất.

Để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng, đặc biệt là sau khi Hiệp định FTA Việt Nam-Nhật Bản chính thức có hiệu lực, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Cùng với đó, cần tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi của các Hiệp định mang lại.

Trong khi đó, một số các chuyên gia thương mại thì cho rằng, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình năng lực hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh của kinh tế thị trường. Vì thế, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới.

Cảng Nagasaky - Nhật Bản
Cảng Nagasaky – Nhật Bản

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên. Theo các chuyên gia, đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nhật Bản cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Không chỉ có thuơng mại, đầu tư cũng được coi là lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tính đến hết tháng 12/2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.280 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đăng ký đạt 42,05 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Với kết quả trên, Nhật Bản xếp thứ 2 trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Theo một kết quả thăm dò DN Nhật Bản của tờ Asian Nikkei Review vừa được công bố gần đây, có tới 53% doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu tên Việt Nam trong kế hoạch đầu tư của mình, tăng 5% so với năm trước đó. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của DN Nhật Bản tại ASEAN.

Giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn đầu tư, thương mại. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, trong đó lĩnh vực được họ quan tâm là cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo linh kiện.

Cảng Hải Phòng - Việt Nam
Cảng Hải Phòng – Việt Nam